Xu hướng chuyển đổi số của Việt Nam và Thế giới

Xu hướng chuyển đổi số trên thế giới

Theo báo cáo của Cisco & IDC năm 2020 về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 3% các doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số chưa thực sự quan trọng đối với hoạt động của mình, thấp hơn nhiều so với mức 22% năm 2019. Có tới 62% doanh nghiệp kỳ vọng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. 56% doanh nghiệp nhận thấy sự cạnh tranh đang thay đổi và chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giữ được nhịp độ (hình dưới). Thống kê này cho thấy các doanh nghiệp đã có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Động-lực-thúc-đẩy-Doanh-nghiệp-Chuyển-đổi-số
Động lực thúc đẩy Doanh nghiệp Chuyển đổi số (nguồn Cisco & IDC 2020)

Tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên thế giới

Trong cùng báo cáo, Cisco & IDC nhấn mạnh trong năm, 31% doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số, giảm 8% so với năm 2019; 53% các doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiếp theo (“Observer” - “Quan sát”), tăng 3% so với năm 2019; 13% doanh nghiệp trong giai đoạn “Thách thức” (Challenger) và 3% các doanh nghiệp đã “Trưởng thành” (“Native”), tăng lần lượt 4% và 1% so với năm trước đó.

Trạng-thái-của-các-Doanh-nghiệp-trong-tiến-trình-tới-trưởng-thành-số
Trạng thái của các Doanh nghiệp trong tiến trình tới "trưởng thành số"
(Nguồn Cisco & IDC 2020)
Tiến-trình-Chuyển-đổi-số-theo-ngành
Tiến trình Chuyển đổi số theo ngành (Fujitsu 2019)


Xu hướng ưu tiên các dự án và thị trường chuyển đổi số

Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, các dự án chuyển đổi số đang là ưu tiên của rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường. Cụ thể, có tới 87% nhà lãnh đạo đánh giá số hoá quy trình đang là ưu tiên số 1, 40% các tổ chức đã và đang triển khai rộng rãi các hoạt động nhằm số hoá quy trình kinh doanh, quy trình quản trị và có tới 91% lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động số hoá trong từng phạm vi nhất định.

Tăng-trưởng-mức-đầu-tư-cho-các-hoạt-động-Chuyển-đổi-số
Tăng trưởng mức đầu tư cho các hoạt động Chuyển đổi số (Market Research Future 2018)

Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future cho thấy vào năm 2018, mức đầu tư cho chuyển đổi số toàn cầu đạt 205,65 tỷ USD. Ước tính tới năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 817,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng mức đầu tư trung bình hàng năm đạt tới 18,87%.

Mức tăng trưởng ấn tượng này gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng GDP thế giới, thể hiện mối quan tâm và sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và các tổ chức cho các dự án liên quan tới chuyển đổi số cho tới năm 2025.



Xu hướng ưu tiên triển khai nền tảng công nghệ số (“Digital-First”)

Ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, lựa chọn của hầu hết các doanh nghiệp khi xây dựng các hướng phát triển kinh doanh là lựa chọn các nền tảng công nghệ số trước tiên (“Digital-First”).

Xu-hướng-ưu-tiên-cho-công-nghệ-số
Xu hướng ưu tiên cho Công nghệ số "Digital-First" (IDC 2019)

Khảo sát về Kinh doanh số (Digital Business Survey) của IDG năm 2019 cũng cho thấy khoảng 91% doanh nghiệp có kế hoạch áp dụng hoặc đã đưa vào áp dụng chiến lược “Digital-First". Không có nhiều sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong chiến lược “Digital-First” khi con số này của các DNNVV là 89% và các doanh nghiệp lớn là 93%.



Các ưu tiên của doanh nghiệp khi chuyển đổi số

Theo khảo sát của BDO năm 2019 với hơn 300 lãnh đạo cấp Giám đốc (C-Level) cho thị trường các doanh nghiệp cỡ vừa trong các lĩnh vực bán lẻ, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, tài chính, y tế và dược phẩm năm 2019 cho biết có tới hơn 60% lãnh đạo cấp cao nói rằng mục tiêu từ 18 tháng tới 5 năm của họ khi thực hiện chuyển đổi số là nhằm “nâng cao trải nghiệm khách hàng”, “cải thiện hiệu quả hoạt động” và “tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới”. 

Ưu-tiên-của-Doanh-nghiệp-khi-thực-hiện-Chuyển-đổi-số
Ưu tiên của Doanh nghiệp khi thực hiện Chuyển đổi số (BDO 2019)

Khảo sát về Kinh doanh số (Digital Business Survey) của IDG năm 2019 cũng cho thấy khoảng 91% doanh nghiệp có kế hoạch áp dụng hoặc đã đưa vào áp dụng chiến lược “Digital-First". Không có nhiều sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong chiến lược “Digital-First” khi con số này của các DNNVV là 89% và các doanh nghiệp lớn là 93%.



                        Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam

                        Rào cản trong hoạt động chuyển đổi số đối với Doanh nghiệp Việt Nam

                        Rào-cản-chính-trong-Chuyển-đổi-số-với-Doanh-nghiệp
                        Rào cản chính trong Chuyển đổi số với Doanh nghiệp (nguồn VCCI 2020)

                        Khảo sát của VCCI và JETRO với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy thực trạng khiêm tốn trong chuyển đổi số doanh nghiệp với các rào cản chính bao gồm:

                        • Chi phí đầu tư vào chuyển đổi số còn cao;

                        • Hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển;

                        • Khó khăn trong việc tiếp cận các giải pháp về rủi ro và an ninh mạng;

                        • Nguồn lực chuyển đổi số còn hạn chế;

                        • Tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng chưa được chuẩn hóa;

                        • Khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về công nghệ số.

                        Phân tích SWOT đối với các Doanh nghiệp Vừa và nhỏ tại Việt Nam trong chuyển đổi số

                        Theo phân tích, đánh giá của nhóm tư vấn của dự án về điểm mạnh – điểm yếu và cơ hội – thách thức, có thể thấy là điểm mạnh hiện nay của các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ trong chuyển đổi số nằm ở khả năng nhận thức sớm về các xu hướng chuyển đổi, đánh giá được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Bên cạnh đó, do đặc thù cơ cấu tổ chức linh hoạt nên các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ cũng dễ dàng thích nghi với các thay đổi của thị trường.

                        Theo đánh giá, các thành tựu của chuyển đổi số trên thị trường như kênh tiếp thị, phân phối và bán hàng cũng được áp dụng hiệu quả. Năng lực ứng dụng công nghệ số vào kết nối thông tin với khách hàng và nhà cung cấp hay khả năng áp dụng phần mềm vào các nghiệp vụ quản lý cơ bản đều được hầu hết các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ đáp ứng.

                        Điểm mạnh (Strengths)

                        Điểm yếu (Weaknesses)
                        • Nhận thức của các lãnh đạo doanh nghiệp về xu hướng chuyển đổi số.

                        • Cơ cấu tổ chức linh hoạt, phản hồi nhanh với các thay đổi. 

                        • Kênh tiếp thị, phân phối và bán hàng đa dạng. 

                        • Khả năng áp dụng phần mềm vào các nghiệp vụ tài chính, kế toán.

                        • Năng lực quản trị nội bộ chưa cao, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, quy trình chưa chuẩn hóa.

                        • Thiếu nhân sự có năng lực về CNTT để hỗ trợ chuyển đổi.

                        • Năng lực quản trị và phân tích dữ liệu còn thiếu.

                        • Năng lực và nhận thức liên quan đến quản lý rủi ro và an ninh mạng.

                        Lợi thế (Opportunities)

                        Thách thức (Threats)

                        • Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng.

                        • Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.

                        • Sự sẵn sàng của công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường.

                        • Các giải pháp và hỗ trợ của chính phủ đối với các dopanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT.

                        • Khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ.

                        • Khả năng kết nối giữa các giải pháp trên thị trường.

                        • Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp.

                        Tuy nhiên, các yếu tố như năng lực quản trị nội bộ, cơ cấu tổ chức và quy trình của các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ vẫn chưa hoàn thiện để có thể chuyển đổi số toàn diện. Năng lực của nhân sự liên quan đến CNTT hay khả năng tích hợp công nghệ mới của hệ thống CNTT vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Tầm quan trọng của dữ liệu vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn khi chỉ số ít doanh nghiệp có chính sách quản trị riêng biệt và ứng dụng phân tích dữ liệu vào trong các hoạt động của mình. Các vấn đề về rủi ro và an ninh mạng cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn và có chính sách để quản lý mặc dù đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong hệ thống CNTT của bất cứ doanh nghiệp phát triển nào. 

                        Các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ đang được hưởng những lợi thế vô cùng lớn từ các chuyển dịch của môi trường xung quanh cùng với những thành tựu tiến bộ của công nghệ và các hỗ trợ của Chính phủ. Hành vi tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, đem lại những cơ hội khai phá tiềm nằng mới của thị trường. Toàn cầu hóa cũng mang lại sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng và mở ra rất nhiều cơ hội cho các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ. Với các thành tự về khoa học kỹ thuật hiện tại, doanh nghiệp có rất nhiều lựa chọn đối với các nhà cung cấp giải pháp trên thị trường. Chính phủ và nhà nước cũng rất quan tâm và hỗ trợ các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ nhanh chóng chuyển đổi số, thúc đẩy được đà tăng trưởng và cạnh tranh với các nước trong khu vực. 

                        Tuy nhiên bên cạnh đó, các DNNVV cũng vấp phải những thách thức nhất định đến từ sự thiếu hụt các hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của mình. Hầu hết Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tại Việt Nam chưa có được nguồn vốn hỗ trợ tương xứng với nhu cầu đầu tư cho thực hiện chuyển đổi số. Khả năng tiếp cận các chuyên gia, tài liệu và thông tin hỗ trợ về chuyển đổi số còn hạn chế. Các giải pháp công nghệ số trên thị trường hiện nay vẫn được cho là rời rạc, chưa mang tính kết nối, dẫn đến thách thức của nhiều Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Yếu tố khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, cùng với đó là sự tăng lên của các rủi ro tiềm ẩn về an toàn thông tin và an ninh mạng. Đây là các bài toán khó mà mỗi nhà quản lý Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ cần phải giải quyết để đi được đến đáp án chung trong lộ trình chuyển đổi số mang tính tất yếu của mình. 



                        Thực trạng Chuyển đổi số đối với các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tại Việt Nam

                        Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm tỷ lệ rất lớn tại Việt Nam. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy một tỷ trọng không nhỏ các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối (ví dụ: Juno, Yody, Shoptretho, GalleWatch, Pavietnam, Bentoni, Kitchen Art, v.v.), cụ thể: 

                        • Khoảng 100.000 cửa hàng tại Việt Nam đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh; con số tương tự đối với Sapo và cũng hàng nghìn doanh nghiệp khác đang sử dụng Haravan, Nhanh, v.v. 

                        • Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, v.v. 

                        • Dù chưa có các thống kê, một tỷ trọng lớn các doanh nghiệp Việt Nam (hàng trăm nghìn doanh nghiệp) đã sử dụng tiếp thị số (digital marketing) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng (chiếm khoảng hơn 20% trong tổng chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam) trong hoạt động tiếp thị, bán hàng; các nền tảng tiếp thị số chủ yếu có thể nói đến như Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima, v.v. 

                        Đối với chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, dù rằng việc chuyển đổi còn chậm, thể hiện qua số lượng không nhiều các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp ERP, HRM, E-Office, phần mềm chấm công, tính lương, v.v., có một tỷ lệ tương đối lớn các doanh nghiệp đã chuyển đổi số hoạt động quản trị, vận hành nội bộ ở mức cơ bản, thể hiện qua những thống kê sơ bộ: 

                        • Hơn 60% doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm kế toán, trong đó có gần 200.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán Misa; 

                        • Trên 200.000 doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau; 

                        • Hầu như các doanh nghiệp đều đã trang bị và sử dụng chữ ký số; 

                        • Các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo bảo hiểm xã hội trực tuyến được ứng dụng tại đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam. 

                        Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistics, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất, v.v. hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Dù những hoạt này mới chỉ bắt đầu nhưng đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng một tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp với những mô hình kinh doanh đột phá, dịch chuyển hoàn toàn sang mô hình kinh doanh trên môi trường số.




                        Nguồn: viindoo.com - trích eBook Hướng Dẫn Chuyển Đổi Số Cho Doanh Nghiệp Tại Việt Nam
                        do Bộ Kế Hoạch Đầu Tư và USAID biên soạn.

                        Dự báo xu hướng Chuyển đổi số Doanh nghiệp năm 2022